top of page

LÀNG MAI THÁI LAN TRONG DÒNG CHẢY TÂM LINH



“Cao nguyên sau trận cháy

Cây cỏ càng xanh thơm”

Các bạn thân mến,


Một mùa xuân nữa đang về trên cao nguyên Khao-yai. Mùa xuân ở Làng có mưa sau những ngày khô lạnh, cây cối đâm chồi và là dịp các bạn về Làng chung vui Tết cổ truyền, khóa tu hoặc Giới Đàn. Nhưng không phải mùa xuân nào cũng y hệt nhau. Nếu bạn có cơ hội có mặt cùng mảnh đất này từ những năm tháng sơ khai, bạn sẽ thấy cây cối mỗi năm lớn xanh một khác và gương mặt người tu cũng luôn mới, trưởng thành cùng những công trình của Vườn Ươm. Năm nay ở đây bạn còn được ăn mừng sinh nhật mười tuổi của tu viện. Nhìn lại mười năm qua, Làng Mai Thái Lan đã, đang và sẽ còn tiếp nối Sư Ông như thế nào qua công trình tu tập riêng và chung? Mỗi gốc cây, mỗi hòn đá ven đường thiền hành, các thầy, các sư cô đã và đang hiện diện trên mảnh đất này, mỗi sự vật, con người đều có thể kể thành một câu chuyện. Quá khứ mười mấy năm qua vẫn nằm nguyên vẹn trong hiện tại. Và như Sư Ông dạy, trở về trong hiện tại chúng ta có thể tiếp xúc được với quá khứ.


Một ngôi Làng thành hình

Cách đây đúng mười năm, Thầy kính yêu đã cho Vườn Ươm một hình hài mới. Câu chuyện của mảnh đất này thì đã bắt đầu từ nhiều năm trước mốc 2013. Nhờ cánh tay của nhiều vị Bồ tát mà Vườn Ươm đã được chuẩn bị về cả về tinh thần, vật chất, con người. Vì thương đứa con chập chững của mình phương xa mà Thầy đã về Thái Lan nhiều lần để chuẩn bị cho tương lai của một tu viện. Cả ngàn người đã có mặt chứng kiến Thầy làm lễ sái tịnh, trồng xuống cây bồ đề trên Đất Mới, mảnh đất mà sau này sẽ là Tu viện Vườn Ươm. Đất Mới khi ấy chỉ có vườn xoài, hàng me và cây cỏ rậm rạp, các công trình xây dựng chỉ là những khối bê tông lạnh lẽo xây trên nền đất đá. Vậy mà bây giờ mỗi căn phòng, mỗi góc tu viện đều có năng lượng ấm cúng, tươi vui của con người. Hàng tre, vườn xà cừ, vườn phượng hay vườn bích đào… dù chưa thành cổ thụ nhưng đã vươn lớn đủ cho bóng mát, thay cho cây keo và cỏ tranh. Cây trồng đã phủ xanh khoảng đất trống giữa lòng cư xá. Đường thiền hành kiên cố đi quanh những ngọn đồi thay cho những lối mòn sình lầy sau mưa lớn. Nhà khách khang trang thay cho lều bạt tạm bợ. Đi qua bếp mới, nhà khất thực, nhà ăn đến phòng học, sân bóng… bạn dễ dàng bắt gặp một bóng dáng áo nâu, một nụ cười tươi mát. Trên thiền đường hay lên đồi An Ban, đi tới cốc Nhìn Xa hay rảo bước qua vườn Bụt, bạn đều có thể tìm được một không gian bình an gần gũi với thiên nhiên.


Đặt chân đến Làng Mai Thái Lan bạn sẽ thành cư dân của Làng. Có cư dân bảy ngày, hai tuần, ba tháng hay định cư lâu năm. Là dân Làng bạn sẽ cùng đi chấp tác, mỗi nhóm một việc, một góc chung tay cần mẫn như đàn ong, cùng quét dọn, trồng rau, tưới cây, phân loại rác… Sinh khí của ngôi Làng biểu hiện rõ rệt nhất ở những sinh hoạt cộng đồng. Thầy là một nhà văn hoá và ngôi Làng trên cao nguyên Khao-yai đang tiếp nối mong muốn của Thầy là vừa giữ gìn các nét đẹp văn hóa Việt Nam, vừa hòa nhập với văn hóa Thái cũng như xu hướng đa văn hóa của con người hiện đại. Nhưng Làng Mai không phải là một bảo tàng văn hóa mà là một thực thể văn hóa đang sống, từ ẩm thực, trang phục, lễ nhạc, ngôn ngữ… Đến Làng đúng dịp bạn sẽ được cảm nhận không khí của lễ dựng nêu, gói bánh chưng, đón giao thừa, bói Kiều, chơi té nước trong lễ Songkran, xem múa lân rước đèn trong Tết trung thu, tham dự lễ Bông hồng cài áo nhân dịp Vu lan và đón Noel… So với những sinh hoạt đơn sơ buổi ban đầu thì các sự kiện đã dần trở thành nếp nhà, gần đến ngày đến tháng mọi người sẽ rục rịch chuẩn bị và háo hức chờ đón.


Một tu viện nề nếp

Thầy không chỉ cho Làng Mai Thái Lan một hình hài mà Thầy đặt ra hướng đi rõ ràng cho tâm thức của mảnh đất này, đó là nơi chung sống cho một cộng đồng thực tập chánh niệm. Một cộng đồng tu học khác với một ngôi làng đơn thuần. Tới đâu thì người xuất sĩ cũng nhanh chóng tổ chức để ổn định thời khoá thực tập. Từ những sinh hoạt thời khóa còn rất đơn sơ buổi ban đầu, Vườn Ươm giờ đây sớm tối đã có tiếng chuông đại hồng, tiếng chuông thời khoá, tiếng chuông mõ hoà tiếng tụng kinh làm nên không khí của một tu viện nề nếp. Đến tu viện bạn có thể dễ dàng chứng kiến mọi người dừng lại mỉm cười thưởng thức hơi thở khi có chuông đồng hồ, những bữa ăn im lặng, ngày quán niệm bốn chúng cùng thiền hành, nghe pháp thoại, pháp đàm. Từ buổi sáng sớm trên thiền đường đã có những dáng ngồi thiền rất đẹp hay đến sau giờ chỉ tịnh buổi tối vẫn có các sư chú thực tập sám pháp… Đặt mình trong khung cảnh này thì dù đến Vườn Ươm với bất kì mục đích gì, chúng ta đều thấy rằng mình đang ở giữa một cộng đồng tu tập. Dù trên hình thức là “tu chung” nhưng mỗi thời khóa đều là cơ hội để chúng ta trở về với tâm mình, nương tựa vào hải đảo tự thân của chính mình.


Một học viện ứng dụng

Mười năm, tăng thân Thái Lan đang lớn thêm mỗi ngày. Những ngày đầu tiên trên mảnh đất mới, chúng xuất sĩ chỉ vừa đủ khả năng chăm lo đời sống nội chúng, thi thoảng chỉ vài người khách đến viếng thăm. Cho đến khi tu viện dần mở ra với ngày càng nhiều những khoá tu hơn, sức ôm của đại chúng cho các khoá tu, sự kiện đông người ngày càng tốt hơn. Các khoá tu Tiếng Việt, Wake Up, Tết Thái, Teen, Holiday, Tiếp hiện, xuất sĩ, chương trình xuất gia gieo duyên, Baby Buddha… đã thành thường niên. Khóa hàng tuần vẫn diễn ra đều đặn, thiền sinh được hướng dẫn thực tập cặn kẽ và có các thời khóa rất nuôi dưỡng. Với ba ngôn ngữ song song Việt, Anh, Thái, Vườn Ươm đã dần hoàn thiện để trở thành một trung tâm thực tập quốc tế cho thiền sinh đến từ khắp nơi trên thế giới. Đã có rất nhiều khổ đau được chuyển hoá, nhiều nụ cười hạnh phúc được chế tác trên chính mảnh đất này. Nhiều ngàn người đã được hưởng lợi lạc và nhờ đó đóng góp được bao nhiêu điều lành cho xã hội.


Ở Vườn Ươm đa phần là các xuất sĩ trẻ. Những năm đầu các huynh đệ tự nghe băng giảng, tự đọc tự học rồi dần có các lớp nội điển, kĩ năng, ngoại ngữ bài bản, và sau đó được tổ chức thành Chương Trình Bảy Năm, có ban giáo dục chăm sóc và giáo trình giảng dạy chi tiết. Vườn Ươm đã trở thành một trường học lớn giảng dạy pháp môn chánh niệm cho người xuất sĩ và cư sĩ. Lớp học, chương trình học, nội dung học, cách thức học, đánh giá, cấp bằng đều không giống bất kì trường học nào. Ở tu viện mọi người được học chính từ cái mình đang sống và sống với cái mình học. Chúng ta biết rằng không phải ai cũng thích các lớp học, không phải ai cũng thích nấu ăn hay giỏi trồng hoa, không phải ai cũng thích kết nối đám đông và không nhiều người xuất sĩ trẻ thích ở yên một góc như những cụ già nên mô hình đào tạo ở Làng Mai Thái Lan mong muốn ôm ấp được nhiều thiên hướng khác nhau chứ không đào tạo rập khuôn. Mười năm qua đã có nhiều thế hệ xuất gia, nhiều gương mặt trẻ, luân chuyển đóng góp cho các trung tâm khác của Làng Mai. Vườn Ươm đã là chỗ quay về nương tựa của nhiều tăng thân Việt Nam, Thái Lan và các nước Châu Á Thái Bình Dương; nhiều tăng thân mới được khai sinh, rất nhiều vị được nhận Năm giới quý báu và giới Tiếp Hiện.


Một đại Gia đình bốn chúng

Chúng ta thường dùng từ “Gia đình tâm linh”. Ở Vườn Ươm, chúng ta không khó cảm nhận được không khí gia đình. Từ cách xưng hô, cách đưa đến quyết định chung, cách làm việc chung, cách chào đón các em mới xuất gia, cách chăm sóc cho huynh đệ bị bệnh… đều đang hiện thực hóa ý tưởng “chấp nhận nhau, thương yêu nhau như ruột thịt” mà Sư Ông thường nhắc nhở. Gia đình tâm linh không có những ràng buộc hệ lụy giống một gia đình thế tục. Sợi dây liên kết những thành viên trong gia đình là lý tưởng chung, giới luật chung. Cho nên sống trong một gia đình tâm linh như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội làm hay hơn một gia đình huyết thống. Không chỉ giới hạn trong nội bộ xuất sĩ, gia đình lớn còn bao gồm những cánh tay nối dài như phụ huynh của quý thầy quý sư cô, Tăng thân tình nguyện viên, Tiếp Hiện người Thái cũng như Tăng thân ba miền Việt Nam. Những thành viên đã đóng góp vào sinh khí của đất tịnh này không chỉ có người xuất sĩ mà còn là tất cả những ai đã từng đến tu tập nơi đây. Chúng ta có mặt vừa là để hưởng thụ vừa là để đóng góp. Đại gia đình nuôi dưỡng nhau bằng sự thực tập và Đạo tình.


Bạn có thể hỏi điều gì đang và sẽ thu hút mọi người tụ hội về đây để cùng chia sẻ không gian và tâm thức chung này? Nếu là một cư sĩ, bạn có thể muốn đến Làng tìm một không gian bình yên, thanh tịnh, một nếp sống chậm rãi, giản dị, có tình người và có ý thức giữ gìn sinh môi, một không gian văn hoá lành cho tương lai con cái mình. Là một học tăng hay thầy cô giáo, thương gia, nhân viên y tế, người trí thức Á Âu, dù không là Phật tử; có thể mong đến Làng trong một tuần hay trong một khoá tu lớn để được trực tiếp học hỏi cách áp dụng sự thực tập chánh niệm vào trong gia đình, nơi làm việc, trong đoàn thể của mình. Tu viện không có chứng chỉ nào cho các khoá học như những cơ sở đào tào bên ngoài, nhưng bằng kinh nghiệm tự thân mỗi người đều thấy mở mang được rất nhiều điều bổ ích. Quý thầy, quý sư cô có những người cũng đã từng đến như thế và khi thấy được cái hay, cái đẹp của pháp môn, của nếp sống đã phát nguyện ở lại lâu hơn để được học hỏi sâu hơn về giáo lý, có không gian, thời gian thuận lợi cho công phu thiền toạ, thiền hành… Sự thực tập của mỗi cá nhân còn được yểm trợ bởi năng lượng chung hùng hậu của tu viện, có thanh quy thời khoá bài bản, lại có rất nhiều cơ hội giúp đỡ độ đời bằng những phương cách thiết thực và hiệu quả.


Công phu cá nhân

Chúng ta thử hỏi những “cư dân” của Làng sẽ lấy gì để đáp ứng cho nhu cầu tu học đang ngày càng lớn của xã hội? Vườn Ươm sẽ chỉ chạy theo tổ chức khóa tu, sự kiện hay sao? Nếu như ở chính trên mảnh đất này, bằng những thời khóa công phu thường nhật, qua những liên hệ với huynh đệ, chúng ta thấy rõ hơn chính mình, tự chế tác được hạnh phúc, chuyển hoá rác của tự thân thành hoa thì đó đã là một sự đóng góp, sự hiến tặng, sự đáp ứng rồi. Khi bạn kinh nghiệm được lợi lạc, tự nhiên bạn sẽ có mong muốn giữ gìn để cho mọi người xung quanh cùng hưởng được sự lợi lạc đó. Từ căn bản này, việc hiến tặng hay không hiến tặng, phụng sự hay không phụng sự không còn là câu hỏi nữa. Nếu không có căn bản đó thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Nên chúng ta cần thấy rằng việc chúng ta cần làm cho ngày mai thực chất không có gì xa vời. Không có gì khác những điều Thầy thường nhắc nhở.


Đó là công trình, đường hướng Thầy đã dày công sáng tạo thử nghiệm và để lại. Nhưng chưa phải chúng ta đã hiện thực hóa công trình đó một cách tốt nhất. Rất nhiều chỗ xuống cấp mà chúng ta cần làm tốt hơn, nuôi dưỡng được nhiều xuất sĩ hơn, đào tạo có chất lượng hơn. Chúng ta hãy tự đặt một câu hỏi vui: “Hạnh phúc hàng ngày ta chế tác có đủ xài không?” Có lần một thầy trẻ nói rằng dù Tăng thân chưa hoàn hảo nhưng nếu hỏi nơi đây còn đủ điều kiện cho sự thực tập hay không, để có hạnh phúc hay không thì câu trả lời vẫn là có. Vườn Ươm có một tương lai bền vững hay không phụ thuộc vào chính những thành phần của mảnh đất này, phụ thuộc vào việc hôm nay chúng ta có biết sử dụng những điều kiện mà Thầy đã trao tặng để thực tập chuyển hoá tự thân. Mỗi người đóng góp một mảng, cùng tu chung thì chúng ta có nhiều tự do và giúp đời được nhiều hơn.


Công trình tập thể

Những gì chúng ta chứng kiến trên thế giới trong mấy năm gần đây càng cho thấy rõ rằng cả loài người cùng chia sẻ một tương lai chung trên Trái Đất. Vườn Ươm có một tương lai tốt đẹp hay không phụ thuộc vào cả những vấn đề như biến đổi khí hậu, chiến tranh chấm dứt hay không, dịch bệnh được kiểm soát ra sao… Rồi đến những vấn đề mang tính nội chúng cả về phương diện đoàn thể và cá nhân như: các trung tâm khác của Làng Mai có được vững mạnh, huynh đệ có hoà hợp cùng tu tập, cơn giận hoặc suy nghĩ tiêu cực của tôi có được chuyển hoá thành công, niềm cô đơn mặc cảm của bạn có được nhìn sâu quán chiếu… Tâm bình thế giới bình, đó là thông điệp tuệ giác mà Thầy còn muốn chúng ta tiếp tục lan rộng. Tưởng như chúng ta đang đi những bước rất chậm, rất nhỏ giữa thế giới đầy biến động nhưng thực ra chúng ta đang đi từ gốc rễ. Đó là chuyển hoá từ chiều sâu tâm thức con người. Giúp cho một tâm hồn đang đau khổ, theo cái thấy của đạo Bụt, là giúp mang lại hoà bình cho cả một tiểu vũ trụ. Chúng ta đang có cơ hội, phương pháp để tự giúp chính mình và được sống hữu ích. Chính vì thế Vườn Ươm cũng có cơ hội được giúp cho bạn và đóng góp cho đời.


Nhìn vào các yếu tố cấu thành Vườn Ươm chúng ta có thể định hướng rõ hơn các khía cạnh tu, học, kết nối huynh đệ và phụng sự của khu vườn tâm thức riêng cá nhân và các huynh đệ xung quanh. Cùng nhau chúng ta đang đứng trên khu vườn xưa mà Tổ phụ để lại, khu vườn có kì hoa dị thảo, có nhiều cây xinh đẹp; làm sao chúng ta biết thừa hưởng khu vườn ấy và đem lại được lợi lạc cho nhiều người hơn nữa. Các bạn có thao thức gì? Chúng có đang bị quên lãng không? Ngôi làng mơ ước của bạn là gì? Làm sao để Vườn Ươm có thể chắp cánh cho ước mơ của bạn, dù đó là ước mơ lớn như chứng đạo độ đời hay ước mơ giản dị là sống một đời sống thiện lành. Làng Mai Thái Lan là biểu hiện tâm thức chung từ mong ước của mỗi cá nhân, nên công trình đó bắt đầu từ mỗi cá nhân, từ ngôi tháp thực tập mà mỗi chúng ta xây cho Thầy kính yêu. Sư Ông dạy rằng tương lai đã nằm ngay trong hiện tại. Vườn Ươm không còn là một hình ảnh trong mơ mà đã là một thực tại hiển hiện mà mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận. Những hình ảnh của Làng Mai Thái Lan vẽ lên ở đây không để ru chúng ta ngủ trong ngôn từ hoa mỹ mà là để chúng ta cùng nhau ý thức, để cùng có được một tư thế vững vàng bước vào tương lai.


-----

Cùng tăng thân Làng Mai Thái Lan,

Thích Chân Pháp Anh

bottom of page